7/11/2012

Bài 11: Lịch sử xã Thái Hà

III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA: 

2. Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và các thế lực phong kiến phản động.

Vào những thế kỷ tiếp theo, trong quá trình đấu tranh bền bỉ chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành độc lập tự chủ, truyền thống quật khởi đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân vùng Đan Nhai Hải Khẩu (Thái Hà, Thái Phúc ngày nay) càng không ngừng được phát huy mạnh mẽ.

Từ thế kỷ X trở đi, trong các cuộc chống quân Nam Hán của Ngô Quyền, trong sự nghiệp dẹp cát cứ, thống nhất non sông đất nước của Sứ quân Trần Lãm (Trần Minh Công) ở Kỳ Bố Hải Khẩu, Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh được trao quyền bính, dẹp xong loạn 12 xứ quân lập nên nhà Đinh; đặc biệt là những chiến công hiển hách giữ yên bờ cõi Đại Việt trong công cuộc “phạt Tống, bình Chiêm” dưới thời nhà Lý, Đan Nhai Hải Khẩu luôn đóng vai trò là căn cứ, là phòng tuyến quan trọng, lợi hại.

Ngày nay, những di vật còn lại, những địa danh được lưu truyền, như: gạch Giang Tây Quân (thế kỷ X), vỉa gạch cổ ở chân thành quách, đồn luỹ, giếng nước, đấu đong quân, đường tập binh… là những chứng tích nói lên điều đó.

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, cả Thái Bình nói chung, Thái Thụy nói riêng trở thành một hậu phương, một phòng tuyến quan trọng, vừa cung cấp sức người, sức của, vừa chiến đấu dũng cảm chặn đánh địch, bảo vệ an toàn cho những lần quân đội nhà Trần rút lui chiến lược, hoặc hành quân xuôi ngược tiến công địch, giành thắng lợi vang dội.
UBND xã Thái Hà
Để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của đế chế Nguyên - Mông, nhà Trần đã tin cậy chọn cả vùng đất Thái Thụy vừa làm địa bàn chiến lược trọng yếu, vừa đóng vai trò là hậu cứ an toàn, vừa làm nhiệm vụ là phòng tuyến quân sự lợi hại ngăn chặn mọi cuộc tấn công của địch. Chính vì vậy, ngay từ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), Thái Thụy đã có cả một hệ thống đồn luỹ được xây dựng ở khắp các điểm trọng yếu, trong đó tại hồ hữu ngạn cửa sông Diêm Hộ, nhà Trần đã huy động nhân dân cả vùng Thái Ninh xây đựng một khu đồn luỹ, vừa canh giữ cửa sông, vừa để tạo thế nương dựa với các điểm đồn trú quanh vùng. Sau địa điểm này được giao cho vị tướng nổi tiếng thời Trần là Phạm Ngũ Lão dùng làm nơi luyện tập quân thuỷ bộ (ngày nay, ở đầu thôn Bích Du còn ngôi đền Hét, được nhân dân xây dựng để thờ Điện tiền Phạm Điện suy tướng quân - Cương nghị đại vương).

Để phục vụ cho việc đồn trú và thực hiện kế sách lâu dài, nhân dân trong vùng được huy động cùng quân binh san gò, đào giếng, xây dựng hàng loạt kho chứa binh khí, dự trữ lương thực.

Hệ thống đồn luỹ là sự ủng hộ hết lòng của nhân dân cả vùng đất Thái Thuỵ, thật sự là cơ sở vững chắc để vua tôi tướng sĩ nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông trong cả ba lần: lần thứ nhất (1258), lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).

Ngày đăng: 11/07/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.