III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA:
2. Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và các thế lực phong kiến phản động.
Đầu thế kỷ XV, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Cùng cả nước, hàng loạt cuộc nổi dậy chống ách đô hộ của nhà Minh đã diễn ra liên tục trên khắp vùng đất Thái Thuỵ. Ở vùng Thuyền Quan - Phúc Khê có gia đình hào phú là Quách Tự Ngu đã sẵn lòng mở rộng cửa tiếp đón, che giấu, bảo vệ các thủ lĩnh của nghĩa quân đang bị quân Minh truy bức gắt gao; ông từng một lúc bỏ ra hàng chục tấn thóc giúp lương ăn cho nghĩa binh trong vùng. Tám trong số chín người con của Quách Tự Ngu đã tích cực tham gia chiến đấu chống giặc Minh và đều hy sinh anh dũng.
Khi được tin Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa ở Lam Sơn thì các cuộc nổi dậy ở Thái Thụy chống quân Minh càng diễn ra sôi sục. Rất nhiều thủ lĩnh đã đưa nghĩa binh cắt rừng, vượt sông theo về với Lê Lợi, trong số đó có hai anh em Lý Hưu và Lý Thị Phương ở Vị Giang (Vị Dương xã Thái Hồng) đã chiêu mộ dân trong vùng lập nghĩa binh kéo vào Lam Sơn. Cả hai anh em Lý Hựu và Lý Thị Phương đều hy sinh anh dũng tại cửa biển Hải Tây trong trận giao chiến quyết hệt với giặc Minh, nhằm mở đường máu cứu Lê Lợi và giải vây cho căn cứ Lam Sơn. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi đã truy ban Quốc tính (họ Lê) cho hai anh em họ Lý và ban Sắc phong cho Lê Hựu là “Hiển Hựu thần Sư linh ứng đại vương”, phong cho Lê Thị Phương là “Hải Tây Phương dung anh linh công chúa”, đồng thời cấp lộc điền để dân Vị Giang lập miếu thờ.
Trường PTCS xã Thái Hà |
Ở Thuyền Quan có 4 vị tướng của triều đình nhà Lê Sơ, đó là cụ Nguyễn Văn Xá, lần thứ nhất lập công, cụ được vua Lê phong là "Phấn lực tướng quân"; lần thứ hai lập công, cụ được phong là “Tráng tiết tướng quân”. Cụ Nguyễn Văn Hồi được vua Lê Hiển Tông phong là “Lê Triều Phó Sở”. Cụ Đoàn Văn Lý được giữ chức “Thiên hộ tổng dũng liệt tướng quân”. Cụ Nguyễn Hữu Diễn được giữ chức “Lê triều phấn lực tướng quân”. Đây là những vị tướng đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, bảo vệ, giữ gìn nền độc lập của đất nước.
Những đóng góp và sự hy sinh to lớn của nhân dân Thái Thụy nói chung và Thuyền Quan nói riêng đã góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống giặc Minh, giải phóng dân tộc thắng lợi, lập nên triều đại nhà Lê gồm thời Lê Sơ (1428-1527) và thời Lê trung hưng (1533-1788), tổng cộng trên 350 năm.
Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, sự mục ruỗng, thối nát của triều đình phong kiến Lê - Trịnh đã gây ra muôn vàn rối ren phức tạp, lôi kéo dân tình vào biết bao tai hoạ. Ngoài việc người dân phải phiêu tán liên miên do đê vỡ, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh, mất mùa, đói kém … , họ còn bị chết chóc do các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái thế lực phong kiến; là nạn nhân của các cuộc hoành hành cướp bóc của bọn hải phỉ, giặc giã và sự vơ vét của bọn quan tham với danh nghĩa dẹp loạn. Tình trạng này kéo dài sang cả nhiều thập niên của thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta (1858).
Trong bối cảnh đó, hàng ngàn nông dân của bơn tổng: Đông Hồ, Hoá Tài, An Tiêm, Hạ Đồng, dưới sự lãnh đạo của Bùi Khuông chống lại lực lượng đàn áp của Nguyễn Hữu Chỉnh sau cuộc ra Bắc Kỳ lần thứ nhất (1786) để “phù Lê diệt Trịnh”. Trước sự kháng cự quyết liệt của nông dân trong vùng, lực lượng đàn áp đó đã thực hiện chính sách thẳng tay “cướp sạch, giết sạch”, không chỉ có nông dân của bốn tổng nói trên, mà còn có hàng ngàn nông dân của phủ Thái Ninh, phủ Tiên Hưng tránh nạn binh đao tới đó ẩn náu cũng bị cướp bóc giết hại. Sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái cho biết: “…Sau cuộc tàn sát chỉ còn sống sót được vài chục người bỏ chạy tứ tán sau mới quay về dựng lại làng …”.
Không chịu khuất phục trước sự đàn áp tàn bạo của quan quân triều đình nhà Nguyễn, nhân dân Thái Thụy nói chung, nhân dân Thuyền Quan, Đồng Uyên – Thái Phúc nói riêng đã tham gia các cuộc huyết chiến cùng với nghĩa quân do Phan Bá Vành lãnh đạo, chống lại quân triều đình kéo dài suốt 17 năm, từ năm 1811 đến năm 1827. Cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành là cuộc nổi dậy lớn nhất của nông dân Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX.
Ngày đăng: 12/07/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.