7/14/2012

Bài 13: Lịch sử xã Thái Hà

III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA:

2. Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và các thế lực phong kiến phản động.

Vào giữa thế kỷ XIX, thực hiện dã tâm xâm lược Việt Nam, năm 1858, sau loạt súng mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược và lần lượt chiếm các tỉnh phía Nam; năm 1873, quân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất nhưng bị thất bại, năm 1883, chúng lại đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, một làn sóng chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Thái Bình đã dấy lên vô cùng sôi nổi và mạnh mẽ, nhiều sĩ phu, thân hào đã đồng loạt tập hợp dân đinh đứng lên giương cao ngọn cờ chóng thực dân Pháp. Tiêu biểu trong số này có Tạ Hiện - quê làng Quang Lang (Thụy Hải). Tạ Hiện đỗ tú tài và làm quan trong triều, được thăng giữ chức Chưởng Doanh Hùng Nhuệ ở kinh đô Huế. Năm 1883, bị thực dân Pháp tấn công, thành Nam Định thất thủ, Tạ Hiện đã tự nguyện trở ra Bắc nhận chức Đề Đốc Định An (bao gồm 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên ngày nay), ông tiến hành chắp nối và tổ chức lực lượng chống thực dân Pháp. Ngày 25-8-1883, triều đình Huế ký Hiệp ước với Pháp và có chỉ dụ yêu cầu rút bỏ hương dũng, triệt binh toàn cõi Bắc Kỳ. Bất chấp lệnh bãi binh, Tạ Hiện đã bỏ ấn từ quan, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Định An.

Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kháng Pháp, Tạ Hiện được vua Hàm Nghi phong chức Đô Thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, kiêm giữ chức Đề đốc Định An. Đầu năm 1883, ngay khi vừa nhậm chức Đề đốc Định An, Tạ Hiện đã cầm quân sát cánh cùng hương dũng, dân binh, đánh tan một toán phỉ gần 600 tên cùng với hơn 60 thuyền chiến của chúng từng nhiều năm hoành hành khắp vùng ven biển Thái Thụy. Nhân dân các trại dọc hạ lưu sông Trà Lý ở An Biên, Chỉ Biên, Chỉ Thiện, Lũng Tả, Thuyền Quan, Đồng Uyên … đã tự nguyện tập hợp lại đem theo gậy gộc, vũ khí trợ giúp cho quân của Tạ Hiện nhanh chóng phá tan căn cứ chính của bọn phỉ trụ lại ở Phố Dâu (Mỹ Lộc).
Từ Đường họ Nguyễn Văn ở xã Thái Hà
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi và lời hiệu kháng Pháp của Tạ Hiện, nhân dân Thuyền Quan đã nổi dậy chóng thực dân Pháp quyết liệt, trong đó tiêu biểu là cụ Bang Các (họ Phạm). Cụ Bang Các đã chiêu mộ hương dũng, sắm sửa vũ khí, luyện quân đánh Pháp ngoan cường. Đặc biệt là sư SỔ Ở Chùa Bến - Thuyền-quan cùng 3 người con của Tạ Hiện là Cả Hổ, Hai Hùm, Ba Beo đã chiêu tập được hơn 100 nghĩa binh với đầy đủ trang phục, vũ khí, theo Tạ Hiện vượt sông Trà Lý, phối hợp với các toán nghĩa binh khác tổ chức các trận đánh lớn trên địa bàn phủ Kiến Xương. Ba anh em Cả Hổ, Hai Hùm, Ba Beo thường mưu mẹo phân nhỏ các toán nghĩa binh, khi thì giả lính khố xanh, khi thì trà trộn với những nông dân làm ruộng, rồi bất ngờ tập kích tiêu diệt giặc. Các ông còn dùng cả lối nghi binh kết hợp với hầm hố nguỵ trang cài bẫy, rồi từ các nơi phục kích nhảy ra bắt sống địch. Quân Pháp kinh hoàng với những lối đánh này của nghĩa quân sư Sổ, chúng đã gọi họ là đám “Giặc vồ”.

Hoạt động kháng pháp của nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đề đốc Tạ Hiện đã thực sự gây nhiều tổn thất và trở thành nỗi lo thường trực của quân Pháp trên đất Thái Thụy. Sau khi Tạ Hiện bị địch bắt và giết hại vào đêm ngày 2-2-1887, từ đó trở đi, phong trào kháng Pháp thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Đề đốc Tạ Hiện; thêm vào đó, quân địch truy bức đàn áp điên cuồng, các thủ lĩnh của phong trào lần lượt bị sa vào tay giặc hoặc hy sinh dũng cảm trong các trận quyết chiến với giặc. Ở Thuyền Quan, do tương quan lực lượng giữa quân ta và quân địch quá chênh lệch, nghĩa quân do cụ Bang Các chỉ huy bị tan rã, cụ lên Yên Bái mộ quân tiếp tục đánh Pháp; sau đó cụ bị địch bắt giam cầm và cụ đã hy sinh trong nhà tù của thực dân Pháp ở Yên Bái vào ngày 16-3-1889.

Nghĩa quân do sư Sổ chùa Bến - Thuyền Quan chỉ huy, dưới ngọn cờ “Nam vô Thuyền Quan đại tướng quân” vẫn tiếp tục chiến đấu kiên cường. Trong trận đánh bọn quan lại, và bọn đội lốt tôn giáo, nghĩa quân do cụ đội trưởng Hà Đình Tuân chỉ huy, Ở Thuyền Quan có hai ông là Hà Duy Tiến và Phạm Hữu Dân đã bị thương.

Từ sau tháng 3-1890 trở đi, trước sự đàn áp quyết liệt của kẻ thù, phong trào kháng Pháp ở Thái Bình tạm lắng, trong bối cảnh đó, nghĩa quân của sư Sổ sau nhiều trận bị tổn thất, phải giải thể. Sư Sổ tiếp tục về tu lại ở chùa Bến - Thuyền Quan và viên tịch tại đây, ngày nay Chùa Bến vẫn còn mộ tháp của ông.

Đầu thế kỷ XX, ngọn lửa yêu nước chống thực dân Pháp ở Thái Thụy nói chung và Thuyền Quan nói riêng tưởng như bị dập tắt, lại có điều kiện khơi dậy bởi các hoạt động của những tổ chức yêu nước tiến bộ như: phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang phục Hội.

Mặc dù hoạt động của các tổ chức trên tuy chưa đem lại kết quả như mong muốn, nhưng đã tiếp nối một thời kỳ đấu tranh liên tục, sôi nổi, mạnh mẽ và phong phú của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Những hoạt động chống thực dân Pháp và các phong trào yêu nước tiếp sau đó là những tiền đề quan trọng để nhân dân Thái Thụy nói chung, nhân dân Thuyền Quan nói riêng kế thừa, phát huy và nhanh chóng hoà nhập vào một giai đoạn cách mạng mới - cách mạng vô sản, mở ra con đường giải phóng dân tộc thực sự khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Ngày đăng: 14/07/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.