III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA:
Cùng với quá trình trăn trở, vật lộn khai phá đất đai, chinh phục cải tạo thiên nhiên khắc nghiệt để lập làng, định cư; các lớp cư dân Đan Nhai Hải Khẩu trước kia và Thuyền Quan sau đó không chỉ bền bỉ, cần cù trong lao động sản xuất; dũng cảm kiên cường, bất khuất trong các cuộc đấu tranh với giặc ngoại xâm và các thế lực phong kiến phản động, mà còn có cả một truyền thống văn hoá, nghệ thuật đáng tự hào.
Là vùng đất nằm trên một địa bàn thuận lợi trong việc giao lưu cả về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, nên các lớp cư dân Thuyền Quan sớm tiếp thu và hoà nhập được với xu hướng phát triển của thời đại.
Nhân dân Thuyền Quan vốn thông minh, hiếu học và ham hiểu biết. Trong 844 năm (l075 - 1919), qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, trong đó có 185 khoa thi Hội và thi Đình, nhiều nho sinh của Thuyền Quan đã đỗ đạt cao, nhiều người làm quan dưới các triều đại phong kiến, góp phần vào việc xây dựng, giữ gìn nền độc lập tự chủ của đất nước.
Thuyền Quan có 9 người đỗ cử nhân và đều được bổ nhiệm làm quan ở các triều đại: thời Lý có cụ Phạm Điển Tích; thời Lê có các cụ: Phạm Điển Đôn, cụ Huyện Lưu, Đăng Đài, cụ Nguyễn Đăng Hoa và cụ Huyện Huỳnh. Ngoài ra còn có một số người làm tướng lĩnh, như cụ Nguyễn Hữu Diễn, cụ Nguyễn Văn Xá, cụ Nguyễn Văn Hồi.
Gia Phả Họ Đoàn xã Thái Hà. |
Đỗ Tú tài có 7 người, trong đó có 2 tú kép. Khoá sinh có 15 người, trong đó Nhất trường có 10 người, Nhị trường có 5 người.
Dưới thời Pháp thuộc, ở Thuyền Quan có trường hương sư dạy chữ quốc ngữ và một phần chữ Pháp. Nhất là trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), phong trào cách mạng lên cao, việc học hành của nhân dân càng được mở mang phát triển. Ngoài số học sinh của trường hương sư tại địa phương, một số ít con em các gia đình giàu có trong xã đã đi theo học chữ Pháp ở các trường tại tỉnh lỵ Thái Bình, Nam Định, Hà Nội và đã có một người là bác sĩ, 2 người có bằng Tú tài, 7 người có bằng Đípnôm, 6 người có bằng xécbica . Trong số học sinh này có một số người đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu được tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm theo xu hướng mới tiến bộ. Từ năm 1955 đến nay, xã Thái Hà đã có 4 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 9 bác sĩ, 20 kỹ sư và 212 người tốt nghiệp các trường cao đẳng,đại học.
Về tín ngưỡng, ở xã Thuyền Quan không có người theo đạo Thiên Chúa giáo. Hầu hết cư dân trong xã đều giữ phong tục thờ cúng tổ tiên, Thành hoàng những người có công với dân, với nước. Ngoài ra, phần lớn dân cư cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhiều người trong số họ, nhất là các cụ già thường đến chùa cúng bái vào những ngày lễ Phật đản, ngày Tết, mồng một, ngày rằm hàng tháng để nguyện cầu tu nhân, tích đức, hướng thiện. Nhiều công trình kiến trúc đình, chùa trong xã là bằng chứng tín ngưỡng và sự tri ân của các thế hệ người dân địa phương với các bậc tiền bối, công thần. Ở Thuyền Quan có 4 ngôi đình và 3 ngôi chùa cùng với nhiều từ đường, miếu, nhà gỗ cổ với kiến trúc bền vững, nhưng vẫn thanh thoát, mang tính nghệ thuật với những đường nét điêu khắc tinh vi, thể hiện ở những cửa võng, toà sen, đầu bẩy … , với những cảnh “thông, trúc, cúc, mai”, “long, ly, quy, phượng” và nhiều pho tượng khác nhau; tất cả đều rất sống động, thể hiện trí tưởng tượng phong phú cùng với những bàn tay tài hoa, sáng tạo của ông cha ta.
Trong số các công trình kiến trúc đình đền ở Thuyền Quan, nổi bật nhất là đền Con Giang, đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Con Giang thờ vị công thần - hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm. Ông được nhà sử học Phan Huy Chú xếp vào 2 trong số 18 người có công lao, tài đức phò tá “Thời Lê Sơ”, đó là Quách Đình Bảo (anh trai của Quách Hữu Nghiêm), đỗ Thám hoa, khoa Quý Mùi, đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463); ông đã từng đi sứ nhà Minh, từng giữ chức Phó đô Ngự Sử kiêm Tả Xuân Phường, Tả Trung Doãn trông nom việc dạy dỗ Thái tử Ở Đông Cung, làm Thượng thư Bộ Lễ, rồi làm Thượng thư Bộ Hình …
Quách Hữu Nghiêm là em trai thứ tư của Quách Đình Bảo, quê làng Phúc Khê (Thái Phúc ngày nay), năm 22 tuổi ông. thi đỗ Hoàng giáp, khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông. Quách Hữu Nghiêm làm quan từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như. Tả Thị Lang Bộ Lễ, Phó Đô Ngự Sử, Thái Thường Tự Khanh, Chánh Sứ trong đoàn Sứ bộ sang nhà Minh, rồi làm Thượng thư Bộ Lại. ông nổi tiếng trong lần làm chánh sứ sang nhà Minh với trọng trách “bồi đắp hoà khí và dập tắt muôn đời hoạ chiến tranh”. Với tài ngoại giao và sự ứng xử linh hoạt của ông, đoàn Sứ bộ đã được vua nhà Minh hết sức trọng vọng, ân thưởng. Quách Hữu Nghiêm được vua nhà Minh đánh giá cao, so sánh ngang với nhân tài đời Tam đại (nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu). Các bài biểu, bài thơ trong lần đi sứ của ông đã được sử sách ghi lại cho đời sau. Trong giáo dục, ông được nhà vua tin cậy, nhiều lần được cử làm Giám thí, làm. Đề điệu (Chánh, Phó chủ khảo) trong các kỳ thi Điện, thi Đình.
Quách Hữu Nghiêm mất đột ngột tại ngã ba Cun (đoạn sông Trà Lý thuộc Thuyền Quan (Thái Hà)) trong một lần ông đi thuyền về thăm quê. Nhân dân phường Thuỷ Cơ, Côn Giang ở Thuyền Quan đã lập đền thờ ông, trong đền có đôi câu đối:
- Phúc địa sinh hiền huynh cập đệ
- Côn Giang hiển thánh cổ như kim.
Nghĩa là:
Đất Phúc sinh anh em hiền tài.
Sông Côn hiển linh thành bậc thánh, xưa nayvẫn còn truyền lại.
Cuộc đời và công trạng của Quách Hữu Nghiêm là cống hiến cho sự nghiệp “trị bình”, góp phần cùng cả dân tộc xây dựng, củng cố nên những triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến Việt Nam ở thời Lê Sơ.
Cùng với truyền thống hiếu học, các kiến trúc cổ, nhân dân Thuyền Quan còn gìn giữ, lưu truyền được nhiều vốn văn hoá nghệ thuật đa dạng, phong phú diễn ra hàng năm, như hát tuồng, hát chèo, múa sư tử tứ linh, đánh gậy, vậy võ, cờ tướng, hội làng, rước kiệu, các nghi thức tế lễ Trong xã có các đội bát âm, già Nam, Ngũ Lôi, phục vụ trong các ngày lễ, tết, hội hè, đình đám và việc hiếu.
Các hoạt động văn hoá nghệ thuật không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, mà còn góp phần tích cực vào việc giáo dục cho nhân dân về truyền thống yêu quê hương đất nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Ngày đăng: 15/07/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.