5/04/2013

Bài 9: Lịch sử xã Thái Hà...

III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA:

1. Cần cù trong lao động sản xuất, chinh phục cải tạo thiên nhiên, giàu kinh nghiệm thâm canh và nghề thủ công truyền thống.

Các lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Thái Hà xưa kia, khi nơi đây còn là những cồn cát, gò đống, đầm lầy, nước mặn; muốn lập làng, khẩn hoang, trồng trọt trước hết buộc họ phải trị thủy, quai đê, đắp đập, khơi dòng, làm thủy lợi. Bởi vậy, trị thủy, khẩn hoang là công việc tất yếu bền bỉ và đầy gian nan thử thách trong cố gắng định cư của người dân Thái Thụy nói chung và Thái Hà nói riêng.

Từ những gò cao trụ bám buổi đầu mới đến, từng bước các lớp cư dân đầu tiên đã tiến dần xuống các bãi bồi ven sông, ven biển, ngăn đập, be bờ, be bờ, đắp đê khoanh vùng trị thuỷ, cải tạo đất đai, trồng lúa nước, định cư lập làng mới. Đến nay, trong nhân dân vẫn còn lưu truyền câu văn vần: “Cơi đê sông Hồng, mở rộng sông Sinh, cắt phình sông Hoá”, ghi nhận quyết tâm chinh phục cải tạo thiên nhiên của các lớp cư dân tiền bối. Dưới triều Nguyễn, ngoài hàng loạt công việc bồi trúc đê ngăn lũ mặn, đào sông lạch để tiêu thoát lũ, ở Thái Thụy khi ấy đã diễn ra một cuộc khẩn hoang có quy mô hết sức to lớn và sôi động. Đó là cuộc khẩn hoang dưới triều Minh Mệnh (1820 - 1840) do Dinh điền Sứ Nguyễn Công Trứ trực tiếp tổ chức. Chỉ trong vòng 6 tháng, cuộc khẩn hoang đã mở ra được 7 tổng mới với 18.970 mẫu ruộng đất, cùng hàng trăm cây số kênh mương, đê sông, đê biển. Trong đó, hầu hết rẻo đất lầy lội, hoang hoá ở phía sông Trà Lý (thuộc huyện Thái Ninh cũ) đã được khai khẩn lập thành tổng Tân Bồi, với 9 trại, ấp, xóm, giáp là: Hanh Thông, Đồng Nhân, Xuân Hòa, Tri Chỉ, Hương Khê, Thiên Kiều, Tuấn Nghĩa, Tam Đồng, Lũng Tả. Khi ấy, rất nhiều hào phú, nho sĩ trong vùng đã tự nguyện đứng ra vận động các tộc họ và chiêu tập nông dân quanh vùng hưởng ứng cuộc khẩn hoang. Sau các vị này đều trở thành những Nguyên mộ, Tòng mộ có tên tuổi nổi tiếng và được các làng, ấp mới thờ phụng ghi ơn. Đến lúc này có thể khẳng định: hầu hết đất đai hoang hoá, kể cả những nơi lầy thụt ở mom sông, đầu bãi của Thái Thụy nói chung và Thái Hà nói riêng đã cơ bản được khai phá.
Đền Côn Giang
Truyền thống cần cù trong lao động sản xuất, chinh phục cải tạo thiên nhiên của các lớp cư dân Thái Thụy nói chung và Thái Hà nói riêng dù mới chỉ được điểm sơ lược, nhưng cũng đủ phản ánh cơ bản kết quả của quá trình hàng nghìn năm đấu tranh vật lộn, giành giật quyết liệt giữa con người với thiên nhiên: bão lụt, biển cả... Những con người từ khắp bơn phương tụ họp về nơi đay đã làm nên những kỳ tích phi thường bằng việc biến một miền đất “đầu sóng, ngọn gió”, khởi thuỷ vốn hẻo lánh hoang sơ, đầy những gò đống, đầm lầy nhiễm mặn và lau lác cỏ dại, trở thành vùng đất trù phú như ngày nay.

Truyền thống cần cù, thông minh trong công cuộc chinh phục cải tạo thiên nhiên để lập làng định cư của người dân Thái Hà đã tiếp tục được phát huy trong lao động sản xuất nông nghiệp. Quá trình trăn trở, vật lộn với đồng ruộng để làm ra hạt thóc, củ khoai, người nông dân Thái Thụy nói chung và Thái Hà nói riêng đã đúc rút được những kinh nghiệm sản xuất hết sức quý báu, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Những kinh nghiệm sản xuất quý báu và truyền thống lao động cần cù, truyền thống thâm canh giỏi của người nông dân Thái Hà không chỉ làm cho mảnh đất này ngày càng trở nên màu mỡ, mà còn thu hút dân bốn phương về đây tụ hội. Thái Hà cùng với các địa phương trong vùng sớm trở thành “Kho người, vựa lúa” của đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài lúa là cây trồng chính, người dân Thái Hà còn trồng các loại hoa màu, như khoai lang, ngô, đỗ, dưa, thuốc lào… Đặc biệt giống khoai lang lim và dưa hấu của Thái Hà ngon nổi tiếng khắp vùng. Bên cạnh việc trồng lúa và hoa màu phát triển, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập cho nhân dân.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, cư dân Thái Hà còn có nghề thủ công truyền thống như là nghề đan bị, rẽm với kỹ thuật khá khéo léo, với nhiều kiểu dáng và màu sắc phong phú, không chỉ được lưu hành rộng rãi trong nước, mà còn được xuất khẩu sống Pháp và một số nước Tây âu.

Do kinh tế ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra không chỉ bảo đảm cho cuộc sống người dân, mà còn trở thành hàng hoá trao đổi khắp vùng. Xã Thuyền Quan xưa kia, Thái Hà ngày nay luôn có chợ là trung tâm giao lưu kinh tế với bên ngoài. Lúc đầu có chợ Điểm, sau có chợ Bến. Việc mua bán, trao đổi hàng hoá không chỉ bó hẹp quanh vùng, mà còn mở rộng đến trung tâm tỉnh lỵ là thị xã Thái Bình. Trước đây, ở Thuyền Quan thường có hai thuyền gỗ chuyên vận chuyển hàng hoá, hành khách theo đường sông lên thị xã Thái Bình, rồi lại từ thị xã chuyên chở hàng hoá, hành khách về. Ngoài ra, Thuyền Quan còn có hai bến đò là đò Gồ và đò Bến sang huyện bạn; đê sông Trà Lý, đồng thời cũng là đường quốc lộ 219 chạy qua địa bàn của xã. Hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ thuận lợi đã giúp cho người dân Thuyền Quan xưa kia, Thái Hà ngày nay mở rộng việc giao lưu về mọi mặt với các vùng miền, làm cho nền kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Ngày đăng: 09/07/2012

1 nhận xét:

  1. cảm ơn Đoàn Hữu Long, đã có những bài viết để những người xa quê, hiểu và thêm yêu quê hương mình, mong được đọc nhiều thêm nữa, các bài đăng của bạn

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.