9/18/2011

Bài 5: Lịch sử xã Thái Hà.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẤT ĐAI, DÂN CƯ.
Khi nghiên cứu về buổi đầu hình thành của đồng bằng Bắc Bộ, trong tác phẩm Văn hoá và các cư dân đồng bằng sông Hồng tác giả Vũ Tự Lập đã khẳng định: đa phần đất đai phía Bắc huyện Thái Thụy (chủ yếu thuộc huyện Thụy Anh cũ) có niên đại hình thành từ 3.000 đến 2.000 năm trước.

Vùng đất thuộc huyện Thái Ninh cũ, có niên đại hình thành từ 1.000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần. Quan điểm này có những nét tương đồng với kết quả khảo sát xác định đường, mép biển Thái Bình vào thế kỷ IX của Cao Biền, là Tiết độ sứ Giao Châu đời Đường (618 - 907). Theo đấy thì đường mép biển ở Thái Thụy được khởi đầu từ ngã ba Cần (Thái Hà) bao quanh đất Thái Phúc, Thái Dương, chạy chếch lên phía Đông - Bắc qua đất các xã Thụy Phong, Thụy Sơn, rồi ngoặt ra phía Đông, ven theo các xã Thụy Phúc, Thụy Văn, Thụy Hồng, Thụy An, Thụy Xuân, Thụy Trường.
Đồng lúa Thái Hà - ảnh: Khang
Tuy nhiên, những ý kiến trên hđây về toàn bộ đất đai thuộc huyện Thái Ninh cũ chỉ mới được hình thành cách ngày nay từ 1.000 năm trở lại đây còn cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Bởi các bãi đất cao nằm kề các bãi sa bồi của sông Trà Lý thuộc các tổng Thần Nhuệ (sau đổi gọi là Thần Huống), Thần Đầu, Bích Du trước đây Chính là những điểm tụ cư thuận lợi không chỉ cho các cư dân trồng trọt từ Trung Du và các cư dân quanh vùng tìm đến, mà từ rất sớm đã thu hút các luồng cư dân đánh cá từ biển vào trú ngụ lập làng, khai phá. Thế kỷ VI, Lý Bí đã từng xây dựng đồn trại, chiêu tập nghĩa quân ở khu vực này, tiến hành lật đổ ách đô hộ của nhà Lương. Chính Tiết độ sứ Cao Biền cũng đã có lần về Sơn Đường (Thái Hoà) để dò xét các gò đống, thế đất ở đây. Đặc biệt, lui vào phía trong, cách vùng đất Thái Hà - miền đất từng có tên là Đan Nhai Hải Khẩu, đã phát lộ một số lượng lớn những phế tích kiến trúc của những giếng cổ và nền móng thành lũy được xây dựng bằng gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên”, là loại gạch đã được các nhà nghiên cứu khẳng định có từ trước thế kỷ X.

Như vậy, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, miền đất huyện Thái Ninh cũ cũng đã cơ bản hình thành, nhưng đang còn là những cồn cát, cù lao cát và thường xuyên bị ngăn cách với khu vực nội đồng vào những lúc triều cường dâng lên.

Ngoài ra, ở các vùng gò đống của Phất Lộc (Thái Giang) cũng tìm được một số mộ cổ xây bằng gạch lớn, kết cấu hình vòm, mang đặc trưng của những ngôi mộ Hán hồi đầu Công nguyên. Những di vật trong mộ cổ chứng tỏ con người đã cư trú trên mảnh đất này ngay từ thời văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay trên 2.000 năm. Những lớp cư dân đầu tiên đã chọn những cồn gò, những sống đất cao để tụ cư Những địa danh sau này quen gọi là “đường”, “đống”, “mả”… thực chất là những khu cư trú cổ, kèm theo các khu mộ cổ của người xưa.

>Bấm vào đây để xem tiếp bài 6
>Bấm vào đây để xem lại bài 4
>Xem thêm chuyên mục Lịch sử xã Thái Hà
Nguồn: Lịch sử ĐB&ND xã Thái Hà (1927-2005)
Ngày đăng: 18/09/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.