10/13/2016

Bài 2: Lịch sử và địa lý xã Thái Hà.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẤT ĐAI, DÂN CƯ.

Trải qua quá trình lịch sử, huyện Thái Thụy nói chung và xã Thái Hà nói riêng đã có nhiều thay đổi cả về địa danh và địa giới hành chính. Song, do sự hiếm hoi về tài liệu lịch sử nói chung, tài liệu địa chí nói riêng, nên chúng ta chưa đủ điều kiện dựng lại bức tranh lịch sử một cách đầy đủ của Thái Hà thời dựng nước trước Công nguyên.

Phải từ thế kỷ X trở đi, qua các thời đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, cùng với những thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, củng cố nền độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước Đại Việt ngày càng vững mạnh, thì cương vực của Thái Hà mới thực sự dần dần rõ nét.

Qua nghiên cứu nguồn sử liệu còn lại, miền đất Thái Thuỵ, Thái Hà chỉ được biết đến một cách mờ nhạt trên miền đất tận cùng phía Nam huyện Chu Diên (quận Giao Chỉ) vào những thế kỷ đầu Công nguyên, hoặc được lộ diện đằng sau vùng đất Đằng Châu thời Ngô Quyền xưng Vương ở thế kỷ X, nằm trong vùng Đan Nhai Hải Khẩu, thuộc hương Thái Bình. Khi Lê Long Đĩnh lên ngôi (tức Lê Ngọa Triều (1005 – 1009) đã đổi Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Đan Nhai Hải Khẩu, trong đó có đất đai của Thái Hà thuộc phủ Thái Bình. Phải đến thời nhà Lý (l010 - 1225) đất nước ta mới được chia đặt rõ ràng thành 24 lộ, lúc này, một phần Đan Nhai Hải Khẩu được hình thành nên làng Thuyền Quan thuộc lộ Long Hưng. Thời nhà Trần, năm Nhâm Dần (1252), Trần Thái Tông cho đổi 24 lộ thành 12 lộ phủ, dưới lộ phủ là huyện, hương; Thuyền Quan (Thái Hà ngày nay) thuộc huyện Tây Quan, lộ phủ Long Hưng. Thời nhà Hồ, phủ Long Hưng đổi thành phủ Tân Hưng, làng Thuyền Quan thuộc huyện Tây Quan, phủ Tân Hưng. 
Cổng làng Thuyền Quan
Thời thuộc Minh (1407 - 1427), nhiều địa đanh có sự thay đổi xáo trộn: phủ Long Hưng đổi thành phủ Trấn Man; phủ Kiến Xương giữ nguyên; thành lập một phủ mới lấy tên là Tân An. Phủ Trấn Man gồm các huyện: Tân Hoá (huyện Ngự Thiên đổi tên), Diễn Hà, Thần Khê, Cổ Lan. Phủ Tân An gồm các huyện: A Côi, Đa Dực, Thái Bình, Tây Quan và Giáp Sơn (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Năm 1413, giặc Minh tiếp tục cho sáp nhập một số huyện: huyện Tây Quan nhập vào huyện Thái Bình, huyện A Côi nhập vào huyện Đa Dực … Sau đó chúng lại cho huyện Đa Dực nhập vào huyện Thái Bình thuộc phủ Trấn Man; huyện Cổ Lan tách khỏi phủ Trấn Man, nhập vào phủ Tân An. Đất đai của Thái Thụy cũng như Thái Hà thời kỳ này nằm trong các huyện Tây Quan, Thái Bình, Cổ Lan thuộc hai phủ Trấn Man và Tân An. 

Ngày đăng 15/06/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.