Ông sinh vào năm Ất Sửu 1445, đến năm Bính Tuất 1466, ông đỗ Hoàng giáp lúc 21 tuổi. Lúc còn trẻ tài cao, hai anh em ông làm quan đồng triều, trải nhiều chức vụ cao. Năm Canh Tuất 1490, ông làm Phó đô ngự sử, rồi thăng Đô ngự sử và từng được giao nhiệm vụ coi việc thi Đình, làm Đề điệu trông coi suốt hai khoa thi Đình năm Quý Sửu 1493, Bính Thìn 1496.
Ông là người sống phóng khoáng, rất có tài biện luận. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ thực lục Q4 có chép:
1498 - Mùa thu, tháng 7, ngày 15, Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm tâu rằng: "Những lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ, điển lại, quân sắc, ai bắt được kẻ cướp cùng bọn giặc phản nghịch gian ác, nếu lệ có xuất thân thì Lại bộ chiếu như lệ xuất thân mà bổ dùng, nếu lệ không có xuất thân thì đều trao cho tản chức theo như lệnh."
1499 - Ngày 25, Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm tâu rằng: "Thưởng hay phạt, ban hay cho đoạt lại, đó là quyền của đế vương trị thế. Thưởng đúng công thì người người đều được khuyến khích, phạt đúng tội thì ai ai cũng lấy đó làm điều răn đe. Cho nên, trong việc thưởng phạt, phải cho hết đạo chí công. [13a] Nay bệ hạ, chính sự buổi đầu trong sáng, thâu tóm mọi quyền trị hoá, tiến dùng bậc hiền tài, gạt bỏ kẻ gian nịnh, người trong nước không ai không ngưỡng mộ đức hay, mừng xem thịnh trị. Nhưng thần trộm thấy năm trước khi đi đánh Sơn Di, Chiêm Thành, Lưu Cầu, Lão Qua thì chọn kỹ quân cờ các vệ Hiệu lực, nhưng người sức lực khoẻ mạnh xông lên trước giết giặc được bổ dụng vẫn chưa hết. Đến khi lựa thải lại phải lui về làm quân năm phủ cũng ngang với những người không giết được giặc, mà không có phân biệt gì. Cúi xin, các quân cờ bốn vệ Hiệu lực có giết được giặc, người nào bị thải ra sung quân năm phủ thì Binh bộ kê ra tâu lên, đặt thành 4 đội riêng của vệ Hiệu lực, như lệ đặt đội riêng của vệ Thần vũ để khuyến khích các chiến sĩ có công. Lại như những lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ, lại điển, quân sắc mà bắt được kẻ cướp và bọn nghịch tặc gian ác, có người lệ đáng được xuất thân, có người lệ không được xuất [13b] thân, nếu như có ban thưởng nhất loạt như nhau thì không có phân biệt gì công lao lớn nhỏ. Cúi xin từ nay trở đi, người nào bắt được kẻ cướp và những tên phản nghịch gian ác, lệ được xuất thân thì Lại bộ theo như lệ xuất thân mà bổ dụng, người nào lệ không được xuất thân thì đều trao cho chức nhàn tản theo lệnh đã định. Như vậy thì việc ban thưởng khinh hay trọng được xử trí thoả đáng và mọi người đều biết cố gắng. Bọn thần lại trộm thấy những người khiêng kiệu phạm các tội trộm cướp gian hung, Hình bộ theo luật xử tội lưu mà không phát đi, thành ra chúng quen thói cũ, coi thường luật pháp, không còn kiêng sợ gì nữa. Có kẻ ngang ngược gian ác, trả thù báo oán, nhiều người lương thiện đã bị chúng làm hại. Từ nay trở đi, người khiêng kiệu lần đầu tiên phạm phải tội lưu hoặc phải thích chữ đồ làm lính ở Nam quân thì cho trở về làm người khiêng kiệu như lệnh đã định. Nếu không biết răn chừa, cố ý tái phạm thì kẻ nào đáng phải lưu đày châu, sở nào, phải bắt đi hết thảy, để cho những kẻ gian ác [14a] biết sợ hãi và không dám ngang ngược hung bạo nữa."
Năm Canh Thân 1500 ông làm Thái thường tự khanh, năm Nhâm Tuất 1502 ông sung chức Chánh sứ sang nhà Minh, được vua Minh khen ngợi có phong thái bậc người tài thời Tam đại. Vua Minh ban cho áo đại hồng có thêu con dê thần và đám mây bằng kim tuyến xen chỉ tơ sống, chỉ gai.
Trở về nước ông càng được trọng đãi, làm đến Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử. Hai anh em đều cùng hàng Thượng thư đầu triều. Ngoài ra ông là tác giả nhiều thơ phú, nay đã thất lạc.
Quách Hữu Nghiêm mất vào ngày 9-9 năm Giáp Tý 1504. Dân làng mở hội đền tưởng niệm ông. Ngày nay ông được thờ cúng ở đền Côn Giang thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thuỵ. Hàng năm, dân làng tổ chức hội đền Côn Giang để tưởng nhớ ngày mất của ông. Ông cũng là người được tôn vinh là danh nhân văn hoá của tỉnh Thái Bình.
Nguồn: www.vinhanonline.com
Ngày đăng 15/05/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đọc đã nghé thăm blog của chúng tôi và viết nhận xét.